GIÁ CÀ PHÊ


Doanh nghiệp cà phê đẩy mạnh tiêu thụ trong nước (12/12/2014)

Với nguồn nguyên liệu cà phê nhân dồi dào trên 1,6 triệu tấn/năm, nhu cầu của người tiêu dùng cao, thị trường cà phê trong nước đang tạo sức hút cho các DN trong và ngoài nước đầu tư.

Nhiều tiềm năng

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính tổng lượng tiêu thụ cà phê của thị trường trong nước năm 2014 chỉ chiếm 10% sản lượng cà phê sản xuất được, 90% còn lại XK. Điều này hoàn toàn không có lợi cho cà phê Việt Nam vì khi tỷ lệ XK quá cao, nhà sản xuất cà phê dễ bị lệ thuộc vào các nhà NK. Do đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa chính là cách làm căn cơ nhất. Ngoài nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê nhờ vào việc chế biến, thúc đẩy tiêu dùng cà phê nội địa còn làm cho tiếng nói của nhà XK cà phê nhân thô có trọng lượng hơn khi đàm phán với các nhà NK cà phê của Việt Nam.

Kết quả cuộc khảo sát về thị trường cà phê tại Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực châu Á năm 2013 của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh) cho thấy thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam sẽ đạt 573,75 triệu USD vào năm 2016. Các DN kinh doanh cà phê trong nước cũng đưa ra ước tính rằng, chỉ cần 20% số dân Việt Nam uống thêm một ngày một ly cà phê (bình quân 25g/ly), mỗi năm sẽ tiêu thụ thêm 128.000 tấn cà phê bột, tương đương với 196.000 tấn cà phê nhân, chiếm 14% sản lượng cà phê hàng năm. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường cà phê trong nước là rất lớn.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang thị trường nội địa hiện chỉ diễn ra ở một vài DN cà phê lớn, còn đa số DN vừa và nhỏ thì cho rằng rất khó khăn. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ nhu cầu xoay vòng vốn và cân đối lợi nhuận. Theo giám đốc một công ty chế biến cà phê ở TP.HCM, để làm ra 1kg cà phê rang xay loại phổ thông DN sẽ phải bỏ chi phí khoảng 23.000-27.000 đồng. Nếu muốn bán tại thị trường nội địa, DN sẽ phải cộng thêm các chi phí rất lớn khác như chi phí đưa hàng vào siêu thị, nhân công, tiếp thị sản phẩm. Chưa kể phải khấu trừ các khoản hàng tồn kho, gối đầu. Vì thế dù giá bán đến người tiêu dùng có thể gấp ba lần giá thành nhưng lợi nhuận thu được chỉ vào khoảng 5-7%. Trong khi đó, nếu XK cà phê nhân thì lợi nhuận có thể lên tới 30-50%.

Vicofa cảnh báo, bắt đầu từ năm 2015 Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và còn có nhiều Hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán như TPP, FTA... Đây là những thách thức của các DN chế biến cà phê của VN khi phải cạnh tranh ngay trên sân nhà với các nhà đầu tư nước ngoài rất mạnh về công nghệ và tài chính. Do đó Hiệp hội kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất vốn vay thấp và thời gian cho vay dài hạn đối với DN chế biến cà phê, tiếp tục hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu và các chương trình quảng bá cà phê nhằm nâng cao hơn nữa tiêu thụ trong nước.

Hòa tan hay rang xay?

Theo thống kê của Vicofa, tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê hòa tan hay còn gọi là cà phê 3 trong 1 (cà phê – đường - sữa) trên cả nước hiện đạt 88.700 tấn/năm và đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên 164.400 tấn/năm. Các công ty đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan gồm có: Đứng đầu là Nestlé Việt Nam với công suất 56.200 tấn/năm, đứng thứ 2 là Vinacafe Biên Hòa với tổng công suất 33.200 tấn/năm, đứng thứ 3 là hai công ty cà phê Ngon và Trung Nguyên với công suất 32.000 tấn/năm mỗi công ty. Ước tính 3 công ty là Vinacafe Biên Hoà, Nestlé và Trung Nguyên chiếm khoảng 90% thị phần cà phê hoà tan tại Việt Nam, được chia đều với độ chênh 1 - 2% tuỳ theo thời điểm.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Đối ngoại Nestlé cho biết nhu cầu tiêu dùng cà phê trong nước hiện đang tăng nhanh với hai phân khúc rất rõ gồm: Cà phê rang xay chiếm 2/3 sản lượng cà phê được tiêu thụ và cà phê hòa tan chiếm 1/3. Tuy nhiên, cà phê hòa tan lại thu hút các nhà sản xuất lớn bởi hợp với xu hướng tiêu dùng nhanh của giới trẻ và thói quen uống cà phê hòa tan đã được người tiêu dùng định hình. Mặt khác, do cà phê rang xay vốn bị mất uy tín vì pha trộn nhiều phụ gia, khó XK và không phù hợp thị hiếu tiêu dùng nước ngoài nên các DN đang dồn sức đầu tư vào phân khúc cà phê hòa tan, với hy vọng xây dựng thành công thương hiệu trong nước sẽ quay sang XK.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, hàng năm có tới trên 40.000 tấn cà phê nhân được dùng để chế biến cà phê rang xay không có thương hiệu. Loại cà phê không có thương hiệu này đang gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng vì nó được trộn thêm bắp, đậu nành rang cháy đen, trộn thêm hóa chất mùi, màu, tạo bọt độc hại. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng Việt Nam ngại uống cà phê vì không biết đâu là thật, giả. Nó đang khiến việc mở rộng thị trường cà phê trong nước gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Hà Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để các cơ sở rang xay cà phê không thương hiệu này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo niềm tin cho người dân và giúp ngành cà phê mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Đồng thời Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cần sớm xây dựng Quy chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm cà phê rang xay và hoà tan trong năm 2015.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: