GIÁ CÀ PHÊ


4 yếu tố có thể làm giá Caosu giảm

Giá dầu thô dự báo hạ vì tăng trưởng kinh tế chững lại và OPEC tăng sản lượng sẽ làm tăng nhu cầu cao su tổng hợp, gây sức ép lên cao su thiên nhiên. Giá cao su thiên nhiên đang chịu nhiều sức ép suy yếu trong mùa sản lượng hồi phục. Hiện tại có 4 yếu tố có khả năng tác động mạnh nhất lên thị trường:

1. Dầu thô

Bởi kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và khả năng OPEC sẽ tăng hạn ngạch sản xuất, giá dầu thô có thể giảm trong vài tháng tới. Điều này càng làm tăng sức ép giảm giá cao su tổng hợp, vốn hay được dùng thay thế cho cao su thiên nhiên. Và điều tất yếu là, cao su tổng hợp sẽ được sử dụng nhiều hơn và làm hạn chế nhu cầu cao su thiên nhiên.

2. Nhu cầu ô tô

Theo một báo cáo của Ấn Độ, 12 nhà sản xuất xe ô tô khách- chiếm 90% doanh số bán xe khách ở nước này - cho biết doanh số bán chỉ tăng 8% trong tháng 5, so với mức tăng 14% của tháng 4.

Trong khi đó tại Mỹ, doanh số bán xe hạ 3,7% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước. Hai tập đoàn ô tô lớn nhất của Nhật là Toyota Motor và Honda Motor đồng loạt công bố doanh số bán xe ở Mỹ giảm sâu trong tháng 5, lần lượt 33% và 23%. Doanh số bán xe của các hãng xe Nhật và Hàn Quốc tại thị trường Mỹ giảm 13% và thị phần của các hãng này còn 40,5% từ mức 45,1% cùng kỳ năm trước.

Doanh số bán xe tại Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới - tháng 4 giảm lần đầu tiên trong 2 năm.

Lãi suất cho vay và giá nhiên liệu tăng đóng vai trò quan trọng làm giảm nhu cầu ô tô. Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi giá nhiên liệu hạ, rất ít có khả năng lãi suất sẽ giảm ngay lập tức vì lạm phát.

Thêm vào đó, giá thép tấm, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất ô tô, liên tục tăng vì chi phí đầu vào cao, khiến các nhà sản xuất ô tô đang và sẽ tăng giá xe hơn nữa để tránh sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Điều này lại chính là con dao hai lưỡi kìm hãm tăng truởng của ngành ô tô.

3. Sản lượng cao

Các nước sản xuất cao su thiên nhiên quan trọng ở Đông Nam Á đã cạo mủ trở lại sau mùa khô kéo dài đến tháng 5 vừa qua. Sản lượng quý II năm nay dự kiến sẽ tăng 5,8%.

Sản lượng cao su của Ấn Độ dự báo đạt kỷ lục 900.000 tấn trong năm 2011, tăng 5,8% so với năm 2010 và chỉ kém Malaysia khoảng 75.000 tấn, theo dự báo của Uỷ ban cao su.

Sản lượng cao su năm 2011 của các nước sản xuất chủ chốt dự kiến sẽ đạt 9,936 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm 2010. Dự trữ cao su toàn cầu vì thế sẽ gia tăng.

4. Nhu cầu Trung Quốc

Theo nguồn tin BusinessLine, tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc sẽ tăng 8,6% lên 3,5 triệu tấn trong năm nay. Quốc gia này sẽ nhập khẩu 2,8 triệu tấn cao su, bao gồm cả các hợp chất có hàm lượng cao su thiên nhiên.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại vì lạm phát leo thang có thể sẽ cản trở mục tiêu tiêu thụ và nhập khẩu cao su của đất nước. Xuất khẩu cao su toàn cầu dự kiến tăng 10,3% lên 7,7 triệu tấn trong năm nay.

Theo Commodity, Businessline

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 22 Tháng 6 2011 18:13