GIÁ CÀ PHÊ


Xuất khẩu nhân điều: Giữ vững vị thế (21/03/2015)

Sau khi “cán đích” kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 2 tỷ USD năm 2014, trong 2 tháng đầu năm, KNXK nhân điều tiếp tục tăng đến 44,7% so với cùng kỳ năm trước.

Phát triển vùng nguyên liệu, giữ vững chất lượng điều xuất khẩu chính là mục tiêu hàng đầu của ngành điều Việt Nam.

Xuất khẩu điều tăng mạnh

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2015, KNXK nhân điều đạt 276 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong bối cảnh hầu hết những mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản đều có KNXK giảm trong 2 tháng đầu năm thì con số tăng trưởng KNXK nhân điều là “điểm sáng” đáng ghi nhận.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), liên tiếp 8 năm gần đây, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Riêng trong năm 2014, sản lượng nhân điều xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, KXNK lần đầu tiên đạt gần 2 tỷ USD - con số lớn nhất từ trước đến nay. Điều Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó đứng đầu là Hoa Kỳ (chiếm gần 30% lượng điều của Việt Nam), Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... Khoảng 60% lượng điều nhân giao dịch trên thị trường quốc tế hiện nay là từ Việt Nam. Hầu hết các khách hàng quốc tế nhìn nhận, nhân điều Việt Nam có chất lượng vào loại tốt nhất thế giới. Nhân điều tiếp tục thuộc nhóm ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sau gạo, cao su, cà phê.

Năm 2015, mặc dù có những khó khăn nhất định như sự mất giá của đồng Euro, khủng hoảng dầu mỏ…, nhưng theo Vinacas, thị trường điều vẫn tương đối ổn định do nhu cầu ngày càng tăng cao. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chú trọng chất lượng

Mặc dù đang gặp nhiều thuận lợi nhưng ngành điều Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch Vinacas- cho biết, diện tích điều đang ngày càng thu hẹp do năng suất không cao, không cạnh tranh được với các loại cây trồng khác. Tổng sản lượng điều hàng năm của nước ta đạt khoảng 400 nghìn tấn hạt thô/năm, trong khi đó, công suất chế biến của các nhà máy hiện ở mức 1 triệu tấn, vì vậy, khoảng 50% lượng điều thô vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu từ châu Phi.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, việc phát triển diện tích trồng điều là một trong những điều quan trọng nhất. Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định để hình thành vùng nguyên liệu điều. Do đó, tạo những ưu đãi về vốn với lãi suất hợp lý cho cả người nông dân, nhà khoa học, DN để tạo ra những giống điều cho năng suất, chất lượng tốt, đồng thời hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ là điều được nhiều chuyên gia khuyến cáo. DN cũng được khuyến khích liên kết với các nước trồng điều như Campuchia, Lào để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, có vị trí gần với Việt Nam nhằm giảm chi phí nhập khẩu điều thô.

Bên cạnh đó, Vinacas khuyến cáo các DN hội viên tăng cường kiểm soát chất lượng nhân điều xuất khẩu để bảo vệ thương hiệu điều Việt Nam. Cụ thể, DN cần đặc biệt quan tâm đến công đoạn sấy, bóc vỏ lụa và đóng gói thành phẩm để giảm lượng hạt vỡ, vụn, giữ chất lượng thành phẩm. Công đoạn đóng gói cần được thực hiện trong phòng kín, có gắn điều hòa nhiệt độ để bảo đảm hạt không bị mốc, hỏng. Nguyên liệu điều thô cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm thành phẩm có chất lượng đồng đều.

Phương Lan

Nguồn: Báo Công Thương


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: