GIÁ CÀ PHÊ


Xuất khẩu hạt điều tăng mạnh nhưng còn thiếu bền vững (01/04/2015)

Trong 2 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 36 ngàn tấn hạt điều đạt kim ngạch 261 triệu USD.

Giá xuất khẩu trung bình của hạt điều Việt Nam đạt 7.101 USD/tấn, tăng 17,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Những năm gần đây, ngành điều có nhiều chuyển biến trong khâu sản xuất. Ở giai đoạn từ năm 2003- 2007, diện tích cây điều tăng cao từ 250 ngàn ha lên 450 ngàn ha. Năm 2014 là năm thành công nhất của ngành điều Việt Nam từ trước tới nay, với 1,2 triệu tấn điều khô được chế biến, và cũng là năm thứ 9 Việt Nam đứng vị trí thứ nhất về xuất khẩu điều; năm thứ tư đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và năm đầu tiên đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù Việt Nam là quốc gia đã và đang giữ vị trí số một thế giới về xuất khẩu nhân hạt điều, nhưng tính bền vững của ngành còn rất yếu, diện tích cây điều đang bị giảm nhanh tại các địa phương chủ lực của cây điều như Bình Phước, Đồng Nai…

Tỉnh Bình Phước được xem là thủ phủ ngành điều của cả nước, nhưng trong thời gian qua diện tích cây điều trên địa bàn bị giảm mạnh do sự cạnh tranh của các cây trồng khác. Cụ thể là từ năm 2011 đến cuối năm 2014, diện tích cây điều ở Bình Phước đã giảm khoảng 20 ngàn ha. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 135 ngàn ha điều, chiếm 40% về diện tích và sản lượng thu hoạch trong mùa vụ vừa qua đạt 149 ngàn tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện nay cây điều đang có lợi thế rất lớn do các DN chế biến xuất khẩu nhân điều đã có thương hiệu trên thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Nga, Anh, Hà Lan, Australia, có khả năng bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, thời gian qua do giá cả bấp bênh, nhiều vườn điều bị sâu bệnh năng suất thấp nên nhiều hộ dân đã phá bỏ chuyển sang trồng cây khác làm diện tích điều của tỉnh hiện còn khoảng 44 ngàn ha, giảm gần 3 ngàn ha so với trước. Ngoài ra, giá hạt điều xuất khẩu năm nay tăng cao, nhưng lợi nhuận các DN chế biến thu được lại không tăng, nguyên nhân do nguồn nguyên liệu trong nước còn thiếu nên phải nhập khẩu hạt điều thô với giá cao về̉ sản xuất. Giá nhân công và một số chi phí đầu vào khác liên tục tăng làm cho lợi nhuận giảm.

Trước thực tế này, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao nâng cao sản lượng cho cây điều. Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu về giống theo hướng cây thích nghi với điều kiện môi trường thực tế, năng suất cao hơn. Tuy nhiên vẫn cần đẩy mạnh công tác cải tạo vườn điều, và biện pháp tốt nhất là đẩy mạnh khâu ghép để cải tạo vườn điều. Vì nếu trồng mới thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân, bởi 5- 6 năm nay người trồng điều không có thu nhập.

Để thực hiện việc này năm 2014 Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã triển khai ghép và cải tạo vườn điều tại 30 điểm ở Bình Phước và 10 điểm ở Đồng Nai, đây là những vườn có năng suất kém dưới 1 tấn/ha. Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã cấp cho Vinacas 1 tỷ đồng để thực hiện thêm 100 điểm ghép cải tạo vườn.

Đồng thời, để có nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất lâu dài, Vinacas đang đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều với 4 nguồn thu: hỗ trợ của Nhà nước, thu 2 USD/tấn điều xuất khẩu, nguồn tài trợ và từ các nguồn khác. 50% kinh phí của quỹ sẽ tập trung cho chương trình thâm canh vườn điều và nghiên cứu giống.

Tuy nhiên, những giải pháp tích cực này chỉ trở thành động lực giúp ngành điều phát triển bền vững nếu có sự nỗ lực hỗ trợ của các địa phương, các DN chế biến. Đó là việc tạo ra cơ chế liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước với nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà nông trồng điều.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: