GIÁ CÀ PHÊ


Xuất khẩu hạt tiêu cảnh giác với chu kỳ “nóng - lạnh” (19/01/2015)

Năm 2014, lần đầu tiên hạt tiêu gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” của Việt Nam. Điều hoan hỷ ấy không phải chờ đến cuối năm, mà mới 10 tháng đầu năm, kim ngạch của mặt hàng này đã đạt 1,1 tỷ USD, cả năm đạt 12,05 tỷ USD. Cùng với gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu còn thuộc nhóm các mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Thành công trên được tích tụ qua vài chục năm hạt tiêu Việt Nam góp mặt trên thị trường thế giới, nhất là 3 năm gần đây. So với năm 1986, diện tích trồng hạt tiêu năm 2012 tăng gấp 15,1 lần (từ 3.900 ha lên 58.900 ha), bình quân tăng trên 11%/năm - tốc độ rất cao so với các cây trồng khác. Đã xuất hiện mô hình vườn tiêu liên kết theo quy trình an toàn, thay thế dần kiểu canh tác theo tập quán cũ, chất lượng thấp, hay xảy ra dịch bệnh.

Giữa lúc nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu - từ dầu thô, đến quặng sắt và đậu nành - đồng loạt rớt giá, người trồng tiêu của Việt Nam phấn khởi vì được giá, xuất khẩu hạt tiêu thăng hoa. Năm 2012 so với năm 1986, lượng xuất khẩu bình quân tăng 15%/năm, về kim ngạch năm 2012 gấp 77 lần năm 1986. Giá năm 1986 là 3.322,6 USD /tấn, năm 2012 là 6.794,5 USD/tấn.

Hạt tiêu của Việt Nam có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 23 thị trường đạt trên 1.000 tấn là Hoa Kỳ, Đức, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Singapore, Ai Cập, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Pakistan, Hàn Quốc, Philippines, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italy, Nam Phi, Australia, Canada, Thái Lan. Đáng lưu ý, 3 thị trường đạt trên 10.000 tấn là: Hoa Kỳ, CHLB Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất

Tuy vậy, cũng cần cảnh báo về chu kỳ thất thường của thị trường nông sản thế giới mà hạt tiêu không là ngoại lệ. Chu kỳ có hai pha “nóng - lạnh” là: sau một thời gian giá cả tăng nóng, diện tích và sản lượng hạt tiêu tăng mạnh ắt dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, từ đó giá bắt đầu giảm và sẽ giảm mạnh cũng trong một thời gian đủ dài. Trong khi đó, thị trường hồ tiêu đã qua hai chu kỳ sốt nóng - lạnh 1985-1993 và 1994-2005, từ năm 2006 đến nay là cơn nóng và biết đâu cơn lạnh sẽ được lặp lại.

Tuy giá hạt tiêu tăng, nhưng Việt Nam chưa tận dụng cơ hội giá tăng. Công nghệ xử lý và chế biến vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Việc chế biến xuất khẩu hạt tiêu của nước ta chủ yếu là hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng chưa xay. Các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua khoảng 80% tổng khối lượng hồ tiêu qua thương lái, rất khó kiểm soát nguồn gốc, quy trình kỹ thuật trồng tới chất lượng sản phẩm.

Hơn nữa, để trồng 1 ha tiêu, chi phí trên dưới 600 triệu đồng, khoảng 3 năm mới thu hoạch. Vì thế, nhiều người ví cây tiêu là “cây của nhà giàu”, nếu gom hết vốn liếng để trồng, khi cây bị bệnh, không kịp xử lý thì rủi ro sẽ lớn. Mặc dù vậy, một số nơi diện tích hồ tiêu vẫn tăng nhanh, nhiều nơi bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng phá bỏ các cây điều, cà phê và cả cao su, ồ ạt chuyển sang trồng tiêu.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: