GIÁ CÀ PHÊ


Dự báo xuất 1,2 triệu tấn cà phê năm nay

Cà phê Việt Nam không được giá bằng cà phê thế giới, bởi những vấn đề về chất lượng và thiếu chế biến sâu.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về dự báo xuất khẩu cà phê từ nay tới cuối năm. Theo Bộ Công Thương, năm 2011 giá cà phê của Việt Nam và thế giới tăng kỷ lục, dự báo lượng cà phê xuất khẩu của nước ta có thể đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD.
Tiêu thụ cà phê thế giới sẽ vượt quá nguồn cung 1 triệu bao (1 bao là 60kg) trong niên vụ 2011/12 bắt đầu từ tháng 10/2011, Bộ Công Thương cho biết.
Sản lượng cà phê vụ tới sẽ là 135 triệu bao, trong khi tiêu thụ 136 triệu bao. Sản lượng của Việt Nam sẽ vào khoảng 21 triệu bao. Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 về sản lượng cà phê trong niên vụ này, sau Brazil.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam không được giá bằng cà phê thế giới, bởi những vấn đề về chất lượng và thiếu chế biến sâu đang làm giới hạn mức giá được trao đổi của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng từ 17,43 triệu bao lên 18,75 triệu bao, tương đương 1,125 triệu tấn.
Nguồn Dân Việt

Xuất khẩu cà phê phải có giấy phép

Sau mặt hàng gạo muốn kinh doanh xuất khẩu doanh nghiệp phải có giấy phép (phải đủ điều kiện theo quy định mới được cấp phép cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu), giờ đây tới lượt mặt hàng cà phê.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được công văn số 8506/BCT-XNK của Bộ Công Thương về điều kiện kinh doanh cà phê.

Vì vậy, ngày 07/10/2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 290/BNN-CB gửi Bộ Công Thương nhất trí rằng việc quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu cà phê là cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng : các đối tượng tham gia sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cà phê của Việt Nam gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê.

Điều kiện đối với thương nhân để có quyền tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê bao gồm doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có sở hữu ít nhất 01 cơ sở chế biến cà phê kèm kho chứa phù hợp với Quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT cơ sở chế biến cà phê, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 02 năm liên tục với sản lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Quyền và nghĩa vụ đối với các thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê, trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cà phê, trong quá trình xây dựng Nghị định Bộ sẽ có ý kiến cụ thể chi tiết sau.

Theo SGtimes

Thu hẹp đầu mối xuất khẩu cà phê

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn DIỆP KỈNH TẦN cho biết, sẽ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại hoạt động kinh doanh cà phê theo hướng những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia xuất khẩu.

Thị phần các doanh nghiệp trong nước đang bị thu hẹp do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở rộng mạng lưới thu mua trực tiếp từ người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh?

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, hiện có 13 doanh nghiệp nước ngoài có đại lý, chi nhánh thu mua cà phê ở Việt Nam, với lượng cà phê thu mua là 377.000 tấn, chiếm 30% sản lượng. Chúng tôi đã rà soát lại các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết của Việt Nam về quyền mua của các doanh nghiệp FDI. Thực tế, họ đều mua cà phê qua các doanh nghiệp tại Việt Nam và chúng ta không thể bắt lỗi họ được.

Nói doanh nghiệp FDI có lợi thế cạnh tranh hơn vì được tiếp cận vốn rẻ cũng không hẳn chính xác. Tôi được biết, có doanh nghiệp FDI vay ngoại tệ với lãi suất không hề rẻ (8-9%/năm), sau đó bán lấy VND để mua cà phê nguyên liệu, đến khi xuất khẩu có ngoại tệ thì đem trả lại ngân hàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước vay nội tệ để mua nguyên liệu, nhưng khi xuất khẩu có ngoại tệ lại bán ra thị trường tự do, chứ không bán cho ngân hàng. Vì vậy, theo tôi, phải nhìn nhận vấn đề một cách công bằng. Vấn đề cốt lõi hiện nay là các doanh nghiệp trong nước phải kiểm điểm lại mình, tự vươn lên, bởi Nhà nước đã hỗ trợ họ rất nhiều.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thua lỗ. Có lẽ, ngành cà phê nên thu hẹp đầu mối xuất khẩu để lành mạnh hóa thị trường, giống như ngành gạo, thưa Thứ trưởng?

Nên có quy định doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia xuất khẩu cà phê để lành mạnh hóa thị trường. Bộï Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đều ủng hộ phương án này. Tôi cho rằng, làm được điều này sẽ cải thiện rất lớn hình ảnh, uy tín, thương hiệu cà phê Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới, mang về mỗi năm khoảng 2-3 tỷ USD, nhưng gần 70% doanh nghiệp trong tổng số 160 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê làm ăn không hiệu quả. Sắp xếp lại đầu mối xuất khẩu cà phê để hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá là việc cần thiết.

Thưa Thứ trưởng, niên vụ cà phê 2011-2012 sắp bắt đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có động thái gì để tháo gỡ khó khăn về vốn thu mua nguyên liệu cho các doanh nghiệp?

Sản lượng cà phê nhân trong niên vụ sắp tới ước đạt 1 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp trong nước thu mua khoảng 70%, tương ứng số vốn khoảng 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này sẽ được quay thành hai vòng, như vậy, nhu cầu vốn thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2011-2012 khoảng 16.000 tỷ đồng.

Năm nay, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã sớm chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về vấn đề vốn thu mua cà phê niên vụ 2011- 2012. Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sẽ cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua cà phê. Các ngân hàng thương mại cũng ủng hộ chủ trương này. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay 5.000 tỷ đồng.

Vì vậy, tôi cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu vay vốn 16.000 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu không phải là khó. Vấn đề lớn nhất hiện nay là, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê có đủ điều kiện để vay vốn hay không, bởi trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí không trả được nợ ngân hàng.

Theo Báo Đầu Tư

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 18 Tháng 10 2011 00:16