GIÁ CÀ PHÊ


Xuất khẩu cà phê tháng 10 của Indonesia giảm 72%, giảm tháng thứ 5

Xuất khẩu cà phê tháng 10 của Indonesia giảm 72%, giảm tháng thứ 5

Số liệu của chính phủ chỉ ra xuất khẩu cà phê hạt robusta từ khu vực trồng chính phía nam đảo Sumatra của Indonesia giảm 72% trong tháng 10 so với cùng tháng năm trước, đây là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm do thời tiết nóng ảnh hưởng tới sản lượng và dự trữ.
Muchtar Lutfie, trưởng nhóm nghiên cứu của Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê Indonesia (AEKI) cho biết điều kiện thời tiết nóng đã ảnh hưởng tới các cây trồng đầu năm năm và kết quả hiện nay mức dự trữ thấp.
Muchtar nói “chỉ các nhà xuất khẩu với quy mô lớn vẫn có dự trữ cà phê trong kho hàng” do các công ty này điều chỉnh xuất khẩu phù hợp với thỏa thuận hợp đồng.

Số liệu giao dịch chỉ ra các nhà xuất khẩu đã xuất 7.226,42 tấn cà phê hạt Sumatran từ cảnh Lampung trong tháng trước, so với 25.452,40 tấn trong cùng tháng năm trước.
Muchtar cho biết tại khu vực trồng cà phê Liwa ở phía tây Lampung, một số nhà sản xuất đã không còn tí dự trữ nào.
Cacao xuất khẩu trơn tru, không tốt hơn, với xuất khẩu của Lampung trong tháng 10 chỉ là 790 tấn so với 5.446,25 tấn cùng tháng đó năm 2010.
Indonessia là nhà sản xuất cà phê lớn thứ tư thế giới sau Brazil, Colombia và Việt Nam và là nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam.
Vụ thu hoạch tại Sumatra, đảo trồng cà phê chính thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 nhưng sản lượng đã giảm do nông dân hái quả từ tháng giêng sau khi mưa dai dẳng gây ra mùa hoa bắt đầu sớm hơn tại một số khu vực.
Trong tháng 9 cơ quan thời tiết nhà nước cho biết mùa mưa đối với hơn 1/3 diện tích của Indonesia bắt đầu từ tháng 10, trong khi nó sẽ bắt đầu vào tháng 11 với 1/3 diện tích khác của quần đảo rộng lớn này.
Viện Nghiên cứu Cà phê và Cacao Indonesia cho biết sản lượng cà phê của Indonesia có thể giảm khoảng 30% xuống mức 400.000 tấn trong năm 2011 do thất bại của mùa thụ phấn sau khi mưa dai dẳng năm ngoái.
Cà phê xuất khẩu từ Indonesia có thể giảm khoảng 1/3 xuống 300.000 tấn trong năm 2011 do nguồn cung hạn chế dẫn đến dự trữ khan hiếm vào cuối năm nay, một quan chức cao cấp trong ngành cho biết.
Chênh lệch giá cà phê tại Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam gần mức kỷ lục 550 USD trong tháng 8 so với hợp đồng kỳ hạn tháng giêng của London do nguồn cung cấp hạn chế, buộc các nhà rang xay cà phê mua nhiều cà phê hạt Việt Nam có giá rẻ hơn.
Vụ thu hoạch tiếp theo từ tháng 12 hoặc tháng giêng, nhưng mưa gần đây tại đảo Sumatra nơi trồng chính làm tăng lo ngại về một vụ thu hoạch kém tiếp theo. Vụ thu hoạch cà phê tại Indonesia hiện tại đang trong giai đoạn ra hoa trong khi vụ thu hoạch đang thực hiện tại Việt Nam.

Xuất khẩu càphê VN: Kim ngạch kỷ lục mà vẫn... lo!

Đó là nhận định chung tại Hội nghị tổng kết niên vụ càphê 2010 - 2011 do UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức với sự tham dự của đại diện NHNN, Bộ NNPTNT, Hiệp hội Càphê - Cacao Việt Nam (Vicofa).
Ngoài những tồn tại về chất lượng càphê, đáng lo ngại là sự “biến mất” của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam và lợi nhuận chủ yếu rơi và tay DN nước ngoài. 
Tăng trưởng chưa bền vững
Niên vụ 2010 - 2011 là sản lượng càphê ổn định ở mức 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 2,4 tỉ USD, tăng gần 58% so với niên vụ trước đó. Hiện càphê VN đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo dự báo của Vicofa, sản lượng càphê niên vụ 2011 - 2012 sẽ khoảng 1,1 triệu tấn do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh tại một số vùng chuyên canh trọng điểm. 
Tuy nhiên, trong niên vụ 2010 - 2011, nhiều nhà máy không hoạt động do thiếu nguyên liệu, lãi suất cao, lợi nhuận thấp. Riêng càphê arabica, những năm trước hầu hết được chế biến ướt thì 2 niên vụ gần đây có đến 40% chế biến khô, làm giảm chất lượng sản phẩm. Tại Lâm Đồng - “thủ phủ” càphê arabica, các nhà máy chế biến ướt chủ lực như Công Chính, Dalatcafe đã ngừng hoạt động do thua lỗ, trong khi Hồ Phượng, Thùy Dung, Mercon... thì quy mô nhỏ lẻ. Không chỉ thừa công suất, thiếu nguyên liệu, Vicofa tiếp tục cảnh báo tình trạng thu hái xanh có nguy cơ không kiểm soát được.
Ông Đoàn Xuân Hòa - Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NNPTNT - bức xúc: “Hễ giá tăng là nông dân tuốt sạch để bán cho được giá, dẫn đến nghịch lý giá càng cao thì chất lượng càng giảm”. Hệ lụy là nhiều DN xuất khẩu có tên tuổi của VN đã... “biến mất”. Tại Đắc Lắc, từ hàng chục “đại gia”, nay chỉ còn 9 DN xuất khẩu trực tiếp, do bị DN nước ngoài chèn ép. Trên phạm vi toàn quốc, các DN FDI cũng đã thu mua khoảng 50% sản lượng càphê của VN trong niên vụ vừa qua, đẩy DN trong nước vào tình thế khó khăn, thua lỗ. Theo UBND tỉnh Đắc Lắc, DN FDI thu mua giá cao thì trước mắt là nông dân được lợi, nhưng nếu để họ độc quyền thì rất nguy cho ngành càphê về lâu dài. 
Đề nghị vay ngân hàng nước ngoài ?
Ông Tạ Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN - cho biết: “UBND tỉnh Đắc Lắc đề nghị NHNN tăng tín dụng xuất khẩu cho tỉnh, giảm bớt thủ tục tiếp cận, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng thời hạn cho vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng tôi xin được trả lời luôn là không thể. Các DN của ta có rất ít tài sản, mà kinh doanh càphê rất rủi ro, ngân hàng phải đưa ra các điều kiện cần thiết để an toàn vốn. Còn lãi suất ưu đãi thì đề nghị tỉnh liên hệ với Ngân hàng Phát triển của Chính phủ, chứ các ngân hàng thương mại nhiều lắm chỉ có lãi suất hợp lý”. Dù vậy, ông Khánh cũng thông báo một số tín hiệu tốt so với các năm trước, như Agribank đã cam kết tài trợ 5.000 tỉ đồng, Techcombank 2.000 tỉ đồng, Ngân hàng Quân đội và một số ngân hàng khác cũng có thỏa thuận cho vay xuất khẩu càphê.
Trên thực tế, một số ngân hàng thương mại như Agribank, Vietinbank đã áp dụng lãi suất ưu đãi 16%/năm, đổi lại các DN xuất khẩu phải bán ngoại tệ thu được cho ngân hàng. Ngược lại, ông Lê Đức Thống - TGĐ Cty TNHH MTV XNK càphê 2.9 Đắc Lắc - cho rằng chính sách tín dụng này chưa giúp DN trong nước “khỏe” lên được. Ông dẫn chứng: “Về lãi suất, mới đây tôi đã vay được lãi suất ưu đãi 15,5% nhưng nếu vay USD thì chỉ có 7%, còn DN nước ngoài vay chỉ 3,7%. Ngoài đề nghị tăng thời hạn vay vốn, chúng tôi xin được vay USD thay cho tiền đồng”. 
Để ngành càphê tăng trưởng bền vững hơn, UBND tỉnh Đắc Lắc kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tạm trữ, trong đó cần quan tâm đến lợi ích của nông dân chứ không chỉ các DN xuất khẩu./.

UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc sản xuất và tiêu thụ cà phê niên vụ 2011 – 2012.

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc sản xuất và tiêu thụ cà phê niên vụ 2011 – 2012.
Để đảm bảo tốt cho việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2011 – 2012 đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê chuẩn bị đến kỳ thu hoạch; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chính khi hái đạt trên 95%. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê xanh, cà phê non.
Giao Sở Nông nghiệp và pHát triển Nông thôn chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền vận động nông dân không mở rộng diện tích cà phê, tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh, cải tạo điện tích cà phê hiện có theo hướng sản xuất cà phê bền vững, chú trọng công tác thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo đúng quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê phục vụ chương trình xuất khẩu của tỉnh.
Đề nghị các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể tăng cường công tác vận động nông dân sản xuất cà phê  tham gia tổ chức thành lập nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã tạo kiểu mới, chủ động xây dựng vùng chuyên canh, liên kết các thành phần kinh tế theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp tục áp dụng kỹ thuật mới, tập trung đầu tư thâm canh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và từng bước tiếp cận với các chương trình sản xuất cà phê có trách nhiệm, có chứng chỉ như 4C, UTZ…
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban, ngành căn cứ tình hình thực tế nhiệm vụ được giao, cần quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND, ngày 17/11/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh./.