GIÁ CÀ PHÊ


Giá Điều tươi tăng vì thiếu hàng

Thời điểm hiện nay, nông dân Bình Định đang bước vào vụ thu hoạch điều nhưng tại các vườn điều nông dân buồn so vì bị mất mùa. Do thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng lạnh kéo dài trong lúc cây điều đang ra hoa, sau đó lại bị nắng gắt, vì thế, hoa bị héo và rụng.

Các địa phương có diện tích điều lớn của Bình Định như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn đều chung số phận mất mùa điều. Theo thống kê, năng suất điều bình quân toàn tỉnh chỉ ở mức từ 2,5-3 tạ/ha, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ các năm trước.

Hiện nay, giá hạt điều được các thương lái thu mua ở mức từ 29-30 ngàn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 9-10 ngàn đồng/kg nhưng không có để mua. Do cây điều thường xuyên bị mất mùa nên nhiều nông dân ở Bình Định đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Điều tăng giá, người trồng vẫn thất vọng

Hoài Ân là một trong những huyện có diện tích trồng điều khá lớn của tỉnh Bình Định. Năm nay, điều được giá nhưng nông dân vẫn kém vui vì sản lượng quá thấp.

Ông Phạm Văn Miền, người có diện tích điều khá lớn ở thôn Vạn Hội II, xã Ân Tín năm nào cũng đều đặn thu về trên 2 tấn điều, nhưng năm nay, do thời tiết diễn biến thất thường nên vườn điều nhà ông mất mùa nặng, hái mỏi tay cũng chỉ được hơn 1 tạ. Ông buồn bã nói: "Chưa bao giờ nông dân trồng điều chúng tôi thất bại như năm nay. Nhà tôi may mắn còn thu được hơn 1 tạ, có những nhà còn mất trắng".

Cũng trăn trở trước thực trạng mất mùa điều, ông Huỳnh Văn Dũng, đại lý chuyên thu mua điều ở thôn Vạn Hội II cho biết: "Mọi năm tôi mua của bà con trên 150 tấn nhưng năm nay không có hàng nên tôi chưa thu mua nổi 5 tấn, mặc dù giá lên tới 30.000 đồng/kg nhưng bà con không có điều để bán".

Có thể nói, cây điều chiếm vị trí khá quan trọng trong đời sống của nông dân Hoài Ân, chính vì vậy, việc điều mất mùa đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Chị Trần Thị Kim Liên ở thôn An Thường II, xã Ân Thạnh thở dài: "Năm ngoái, tôi thu được 15 triệu đồng từ bán điều, dự định năm nay thu hoạch xong sẽ gom tiền để sửa nhà nhưng không ngờ điều mất mùa nặng, đến bây giờ thu chưa được 1 tạ".

Một thời, điều được nông dân xem như cây xóa đói giảm nghèo và Hoài Ân là địa phương đầu tiên có nhà máy chế biến hạt điều do Công ty TNHH Tín Ân đầu tư.Tuy nhiên, trước thực trạng thất bát của mùa điều năm nay và cả sự bấp bênh của thị trường, một số hộ đã chặt điều trồng cây khác. Cách đây mấy năm, xã Ân Hữu có 400ha điều nhưng chỉ còn chưa tới 30ha.

Điều đáng nói là, một số nông dân thấy cau lai đang có giá và luôn ổn định nên đã phá điều để trồng. Không giấu được sự thất vọng, ông Hồ Đốc ở thôn Vạn Hội II nói: "Tôi quyết định phá rẫy điều để trồng cau lai vì hiện tại cau rất có giá". Cùng chung suy nghĩ như ông Hồ Đốc, một số bà con ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức cũng đã "khai tử" vườn điều.

Thiết nghĩ, để giữ lại diện tích điều, các cấp chính quyền cần tích cực vào cuộc, mở các lớp tập huấn để nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết đối với cây trồng và hạn chế tác hại của việc "chặt - trồng, trồng - chặt".


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 13 Tháng 7 2011 01:12