GIÁ CÀ PHÊ


Tin vắn thị trường Caosu ngày 27/07

Nghịch lý trong XNK nguyên liệu cao su: Lỗi từ cơ chế điều hành

Là nước XK nguyên liệu đứng thứ 4 thế giới, nhưng các DN chế biến trong nước lại thường xuyên đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất...

Nghịch lý này đã tồn tại khá lâu và ngày càng trầm trọng trong ngành sản xuất cao su Việt Nam (VN).

Xuất cứ xuất,thiếu cứ thiếu

Từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su thiên nhiên XK lên xuống thất thường. Trong bối cảnh đó, XK cao su thiên nhiên nước ta 6 tháng qua vẫn đạt 284.000 tấn, tăng 17,7% về lượng và tăng 90,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su XK bình quân đạt 4.410 USD/tấn, tăng 60% so với năm ngoái. Dự báo cả năm 2011, toàn ngành sản xuất cao su trong nước có thể tăng khoảng 4% sản lượng và nhờ bổ sung nguồn cao su tạm nhập tái xuất, VN sẽ XK 800.000 tấn cao su, trị giá 3 tỉ USD.

Tuy nhiên, ngược với vị trí thứ 4 thế giới về XK mủ cao su, các DN chế biến cao su trong nước lại đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Có những DN như Công ty CP cao su Đà Nẵng, vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất lốp xe radiant 600.000 chiếc/năm, khi vận hành cần tới 20.000 tấn mủ cao su nguyên liệu/năm, nhưng lại đang không tìm được nguồn mua nguyên liệu ổn định trong nước. Thực tế là ngành cao su đang tập trung cho XK chứ không bán cho DN trong nước, khiến chẳng những DN "nội" mà nhiều DN sản xuất săm lốp ô tô nước ngoài cũng phải nhập nguyên liệu.

Cần một sự gắn kết

Điều đáng bàn là năm 2010, cả nước XK trên 780.000 tấn cao su nguyên liệu, thu khoảng 2,4 tỉ USD, trong khi theo ước tính của Hiệp hội Cao su VN (VRA), DN sản xuất trong nước chỉ sử dụng 140.000 tấn mủ cao su. Vậy không thể nói là thiếu nguyên liệu. Lý giải nghịch cảnh này, Chủ tịch VRA kiêm quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp cao su VN Lê Quang Thung cho rằng, DN trong nước chưa chịu vận hành theo cơ chế thị trường, luôn có tâm lý muốn mua rẻ. Những năm 1999 - 2000, thị trường cao su không ổn định, sản lượng nhiều, DN thu mua nguyên liệu ép giá, nhiều đơn hàng đã ký bị hủy bỏ… khiến DN sản xuất lao đao bởi lượng tồn kho lớn. Song, khi ngành sản xuất nguyên liệu cao su đã tổ chức lại được lượng khách hàng dồi dào, giá cả phụ thuộc vào thị trường… thì các DN trong nước vẫn kiểu "chộp giật" theo cơ chế cũ. Ngoài ra còn do sự thiếu gắn kết ngay giữa các DN, mà cụ thể là trước đây, Tổng Công ty Cao su muốn được làm cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Hóa chất (nay là Tập đoàn Hóa chất) để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất nhưng Tổng Công ty Hóa chất không chấp thuận.

Cần khẳng định, việc xuất cứ xuất dù nguyên liệu cho sản xuất trong nước vẫn thiếu bắt nguồn từcông tác điều hành của cơ quan quản lý, không thể đổ hết lỗi cho DN. Tuy vậy, các chuyên gia công thương khuyến cáo, để không chỉ DN mà cả người dân đều hưởng lợi, DN trong nước nên chủ động thu mua nguyên liệu theo cơ chế thị trường, giá bình đẳng như DN "ngoại". Đồng thời, các đơn vị sản xuất, chế biến săm lốp trong nước nên để DN sản xuất nguyên liệu làm cổ đông chiến lược, nhằm giành thế chủ động trong cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 7 ước đạt 60 ngàn tấn

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 7 tháng năm 2011 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Trung tâm tin học và thống kê Bộ NN và PTNT,  khối lượng cao su xuất khẩu tháng 7 ước đạt 60 ngàn tấn và thu về 260 triệu USD, với ước tính này 7 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 349 ngàn tấn với trị giá 1,5 tỷ USD; tăng 6,6% về lượng và 68,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ cao su của thế giới không tăng mạnh như năm 2010 nhưng khả năng vẫn duy trì được xu hướng tăng cho tới cuối năm 2011. Xuất khẩu cao su tăng trưởng ở hầu hết các thị trường, giá cao su XK bình quân 6 tháng đầu năm tăng 59,2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 4.368 USD/tấn, giảm nhẹ so với tháng trước.

Nguồn: Kinh tế đầu tư (27/07/2011)

Xuất khẩu các sản phẩm cao su Malaysia có thể đạt 14,4 tỷ RM trong năm 2011

Theo thông tin từ Thứ trưởng các ngành công nghiệp trồng trọt và hàng hoá Datuk G. Palanivel, sản xuất nửa đầu năm 2011 tăng lên mức 480 ngàn tấn, từ mức 450 ngàn tấn trong cùng kỳ năm 2010. Ước tính đến năm 2020, doanh thu xuất khẩu từ ngành công nghiệp cao su sẽ đạt hơn 98 tỷ RM.

Ông cũng cho biết kim ngạch xuất khẩu đã tăng 36%, lên mức 34 tỷ RM trong năm 2010, so với mức kim ngạch 25 tỷ RM trong năm 2009 nhờ nhu cầu cao su mạnh trong khu vực và giá cao su tự nhiên tăng. Nhu cầu với cao su tự nhiên ước tính tăng với tốc độ trung bình ổn định trong năm nay, ở mức 3,8%, lên 11,149 triệu tấn do dự đoán kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn.

Theo dự báo của NKEA (National Key Economic Area), ngành công nghiệp cao su Malaysia sẽ đóng góp 52,9 tỷ RM cho GNI đến năm 2020, so với mức 20 tỷ hiện tại. Để đáp ứng nhu cầu mạnh với loại hàng hoá này, ông Palanivel cho biết chính phủ nước này muốn tăng năng suất cạo mủ cao su. Điểm then chốt là triển khai dự án duy trì khu vực cao su còn cho mủ khoảng 1 triệu ha và tăng năng suất lên 2 tấn/ha đến năm 2020. Hiện giá cao su đang ổn định ở mức 13,5 Rm/kg.

Theo Bernama

Giá cao su giảm do thừa cung

Thông tin từ Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy giá cao su nguyên liệu thiên nhiên xuất khẩu sang Trung Quốc đang giảm mạnh

Tại cửa khẩu Móng Cái, giá cao su nguyên liệu chất lượng cao hiện còn dưới 31.000 nhân dân tệ/tấn, giảm hơn 1.000 nhân dân tệ so với đầu tháng 7 (loại thường 29.000 nhân dân tệ/tấn).

Nguyên nhân là do đầu tháng 7, giá cao su nguyên liệu loại chất lượng cao tăng lên 32.000 nhân dân tệ/tấn nên nhiều doanh nghiệp tăng lượng hàng lên cửa khẩu dẫn đến cung dư thừa làm hàng tồn ứ nhiều.

Giá cao su Tokyo vượt 5.000 USD/tấn do đồng USD yếu

Chốt phiên sáng nay, giá cao su giao kỳ hạn tháng 1/2012 trên sàn Tokyo (TOCOM) tăng 8,4 yên tương đương 2,3% lên 396 yên/kg (5.100 USD/tấn). Giá giao kỳ hạn tháng 7 đã đáo hạn ngày hôm qua.

Trên sàn Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2012 tăng 650 nhân dân tệ tương đương 2% lên 36.340 nhân dân tệ/tấn (5.638 USD/tấn).

Đồng USD mất giá nhanh chóng, tỷ giá USD/yên đã xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 3 còn 77,828 yên/USD.

Giá dầu thô tăng mạnh lên sát 100 USD/tấn cũng là nguyên nhân đẩy giá cao su lên cao.

Tập đoàn Nissan Motor của Trung Quốc, hãng sản xuất ô tô lớn nhất châu Á có kế hoạch đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ tương đương 7,8 tỷ USD từ nay cho đến cuối năm 2015 để mở rộng thị trường tiêu thụ, dẫn tới tăng nhu cầu nguyên liệu đầu vào sản xuất lốp ô tô.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 27 Tháng 7 2011 16:04