GIÁ CÀ PHÊ


Biến động thị trường hồ tiêu tuần qua (29/08/2013)

Biến động thị trường hồ tiêu tuần qua

Do ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ, giá hồ tiêu tại các thị trường nội địa có biến động theo chiều hướng tăng nhẹ tại Indonesia, Brazil, Ấn Độ theo giá tiền nội địa, Việt Nam giá ổn định. Tuy nhiên, giá tiêu tính theo đồng đô la lại giảm.

Giá Tiêu Vẫn Duy Trì Vững Mặc Dù Nguồn Cung Thiếu Hụt

Giá hạt tiêu Ấn Độ giao dịch trên sàn kỳ hạn trong tuần qua đã tăng nhẹ nhờ nhu cầu vẫn tốt trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.

Thị trường giao ngay vẫn tiếp tục kênh xu hướng tăng từ tuần trước sau khi lượng hàng thực bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ của thị trường nội địa. Tuy nhiên, vào ngày cuối tuần khi giá đã vượt qua 40,000 Rupi thị trường đã xuất hiện áp lực bán.

Các nhà đầu cơ đang nắm giữ hàng bắt đầu tiến hành bán thanh lý. Tiêu vùng Ranjkumari được chào bán với mức giá 42,500 Rupi, và tùy theo chất lượng giá tiêu dao động trong khoảng 40,000 – 40,500 Rupi.

Ngay khi nhu cầu từ thị trường trong nước dự kiến sẽ tăng trong những ngày tới sau khi lễ “Pournami”. Tại Tamil Nadu, Yercauld hiện đang vào chính vụ nhưng sản lượng không nhiều. Để đáp ứng nhu cầu nội địa các nhà mua hàng đã trực tiếp mua tại các vùng đang thu hái và họ sẵn sàng chi trả tiêu loại MG1 với mức 42,500 Rupi.

Trên sàn giao dịch NMCE hợp đồng tháng 9 và tháng 10 tiếp tục tăng và đóng cửa 44,000 Rupi (tương đương 6,922 Usd/tấn) và 44,900 Rupi (tương đương 7,063 Usd/tấn). Tỷ giá 1 Usd đổi được 63,5668 Rupi. Tổng khối lượng giao tăng 29 tấn lên 129 tấn. Tổng hợp đồng mở tăng 20 tấn lên 46 tấn.

Giá tiêu giao ngay cũng tiếp tục tăng đóng cửa mức 40,500 Rupi (tương đương 6,371 Usd/tấn) cho loại tiêu xô và mức 42,500 Rupi (tương đương 6,686 Usd/tấn) cho tiêu chất lượng cao.

Giá tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế tăng nhẹ, được chào bán ở mức 7,025 Usd/tấn (c&f) cho hàng giao tại châu Âu và 7,275 Usd/tấn (c&f) đối với hàng giao tại Hoa Kỳ sau khi tỷ giá đồng Rupi tăng./

Cần thận trọng khi xuất khẩu hồ tiêu

Theo thông tin từ hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2013, sản lượng tiêu của cả nước chỉ đạt khoảng 95.000 tấn, nhưng trong bảy tháng đầu năm nay đã xuất khẩu 94.000 tấn.

Với lượng hồ tiêu tồn kho từ năm 2012 chuyển sang, còn khoảng năm tháng nữa là đến vụ thu hoạch hồ tiêu, nguồn cung hồ tiêu cho xuất khẩu hiện chỉ còn chưa đầy 15.000 tấn.

Do vậy, hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong việc ký hợp đồng xuất khẩu hồ tiêu về số lượng, thời gian giao hàng, giá cả, phương thức thanh toán… nhằm tránh tình trạng “xù” hợp đồng, thanh toán, mà rủi ro, thua lỗ thường thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu hồ tiêu: Căng thẳng nguồn hàng

Theo Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng từ đầu năm đã tăng 22,8% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 5 tháng còn lại của năm 2013, dự báo nguồn cung hồ tiêu sẽ rất căng thẳng.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam 7 tháng qua tập trung nhiều ở châu Âu (34%), châu Á 35%, châu Mỹ 22%, châu Phi 9%.

Báo động suy giảm sản lượng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu cả nước niên vụ 2013 đạt khoảng 95.000 tấn, giảm khoảng 15% so với vụ năm 2012 và cho đến thời điểm này, cả nước chỉ còn 15.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu (XK). Suốt nhiều năm qua, Việt Nam là cường quốc XK tiêu lớn nhất thế giới, nhưng ngành hồ tiêu vẫn tồn tại nghịch lý, đó là diện tích tăng, sản lượng giảm.

Năm 2011, cả nước có 53.000ha trồng tiêu, đạt sản lượng 125.000 tấn; năm 2012 đạt 57.500ha, sản lượng đạt 115.000 tấn; năm 2013, diện tích trồng tiêu tăng lên 60.000ha, nhưng sản lượng giảm chỉ còn 94.000 tấn. Hồ tiêu hiện chỉ chiếm 2,5% diện tích trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp ở nước ta, nhưng chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu. Giá trị kinh tế của tiêu hiện đạt khoảng 6.800 USD/ha/năm, cao gấp 4 lần cao su, gấp 8 lần hạt điều, gấp 2,6 lần cà phê và gấp 6 lần chè. Mỗi ha trồng tiêu có thể lãi 200 - 250 triệu đồng/năm.

Vì trồng tiêu thu được siêu lợi nhuận nên thời gian qua, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã ồ ạt chặt cà phê, điều… để chuyển sang trồng tiêu. Điều đáng lo ngại là nhiều nông dân trồng cả những giống tiêu không rõ nguồn gốc, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại.

Khảo sát của Cục Trồng trọt cho thấy, năng suất bình quân hồ tiêu hiện đã giảm xuống chỉ còn 2,4 tấn/ha (năm 2010 đạt 3-3,5 tấn/ha). Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng thêm nhiều nhất, tăng khoảng 1.000ha so với năm 2011 nhưng năng suất giảm từ hơn 2 tấn/ha năm 2011 xuống còn 1,4 tấn/ha trong năm 2013. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năng suất trung bình cũng giảm, chỉ còn 1,72 tấn/ha...

Đối sách nào cho xuất khẩu?

Theo ghi nhận của VPA, giá tiêu tại các sàn giao dịch ở Ấn Độ và giá nhập khẩu của thị trường châu Âu, châu Mỹ đang tăng trở lại. Nguyên nhân là do nguồn cung của những nước sản xuất tiêu chính trên thế giới như Việt Nam, Ấn Độ đều không còn nhiều. Trong khi đó, những nước như Malaysia, Indonesia đang trong giai đoạn thu hoạch tiêu cũng cho sản lượng khiêm tốn.

VPA cho rằng, giá tiêu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì trong nước chỉ còn khoảng 15.000 tấn tiêu tồn kho, và hiện nay, thương nhân nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để mua tiêu.

Trong khi nguồn cung ở nhiều nước sản xuất chính giảm sút thì nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới vẫn tăng, điều này dự báo sẽ tạo nên những diễn biến khó lường về thị trường xuất khẩu, và giá tiêu trong những tháng cuối năm sẽ còn bất ngờ.

VPA khuyến cáo: Các DN cần hết sức thận trọng trong giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu về số lượng, thời gian giao hàng, giá cả, phương thức thanh toán… nhằm tránh hiện tượng "xù" hợp đồng, "xù" thanh toán, dẫn đến khiếu kiện mà rủi ro, thua lỗ thường thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng Nai xuất khẩu trên 5.500 tấn hạt tiêu

Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết: xuất khẩu hạt tiêu đen trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng năm 2013 đạt trên 5.500 tấn, tăng trên 500 tấn so với cùng kỳ năm 2012.

Ngoài sản lượng xuất khẩu tăng, giá tiêu cũng tương đối ổn định, ở mức trên 6.500 USD/tấn và là mặt hàng nông sản xuất khẩu hiếm hoi giữ được giá cao và tăng sản lượng xuất khẩu.

Hiện nay, Đồng Nai có diện tích trồng tiêu đứng thứ 3 trong cả nước với gần 7.700 ha. Trong đó khoảng 7.300 ha đang trong thời kỳ thu hoạch với tổng sản lượng trên 15.000 tấn/năm. Diện tích tiêu được trồng tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Mỹ (1.724 ha), Tân Phú (1.580 ha), Xuân Lộc (1.300 ha) và Trảng Bom (700 ha).

Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng Global GAP trên cây tiêu. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP”. Đây cũng là “giấy thông hành” để các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap dễ dàng thâm nhập những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ… với giá cao.

Trước mắt, tỉnh đã chọn huyện Cẩm Mỹ - địa phương đang có trên 1.700 ha tiêu, chiếm 30% diện tích tiêu toàn tỉnh để đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP trên cây tiêu nhằm hướng đến việc hình thành những vùng chuyên canh cây trồng bền vững.

Định hướng đến 2015, toàn tỉnh sẽ nâng diện tích cây tiêu đạt trên 8.000 ha, với năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha (diện tích thâm canh 6 tấn/ha). Lợi nhuận bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm./.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 29 Tháng 8 2013 11:36