GIÁ CÀ PHÊ


Hội nghị ca cao ASEAN lần thứ 17 (16/05/2014)

Hội nghị tổ chức từ ngày 5 đến 8/5/2014 tại Sabah, Ma-lay-si-a, bao gồm các phiên họp Tổ công tác kỹ thuật về ASESEAN GAP lần thứ 3 cho ca cao, Phiên họp về vệ sinh an toàn thực phẩm cho ca cao lần thứ 6 và Phiên họp toàn thể Câu lạc bộ ca cao lần thứ 17. Tham gia hội nghị có đại biểu của cá nước thành viên Asean: Ma-lay-si-a, In-đô-nê-si-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn biểu Việt Nam do TS. Trần Văn Khởi - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm trưởng đoàn đã tham gia tất cả các phiên họp trên.

Cuộc họp lần thứ 3 của tổ công tác kỹ thuật thuộc Câu lạc bộ ca cao ASEAN được tổ chức tại thành phố KoTa Kanibalu, bang Sabah, Malaysia đã diễn ra vào ngày 6/5/2014 với sự tham gia của 18 đại biểu đến từ các nước Asean.

Tổ công tác kỹ thuật về GAP cho ca cao có trách nhiệm hoàn thành tiêu chuẩn GAP cho ca cao trong năm nay để báo cáo ASEAN hòa đồng tiêu chuẩn ASIAN năm 2015. Theo đó, trong phiên họp này các nước thành viên đã tham gia thảo luận, góp ý qui trình ASEAN GAP cho ca cao dự thảo bởi COCO Phi FOUNDATION. Bản dự thảo này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ASEAN GAP cho rau quả tươi và tài liệu hướng dẫn các phương thức canh tác ca cao của ICCO (Tổ chức Ca cao Quốc tế). Nội dung chính của quy trình gồm: Lược sử và quản lý địa điểm trồng; Giống; Phân bón và chất phụ gia, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, qui trình khai thác, chế biến, quản lý chất thải; Quản lý thông tin, truy tìm nguồn gốc và thu hồi sản phẩm. Đối với nội dung về vệ sinh, an toàn lao động sẽ được qui định chung cho một số loại sản phẩm khác. Các nước thành viên đã tích cực tham gia góp ý bản thảo này. Việt Nam đã kiến nghị bổ sung khái niệm một số từ kỹ thuật nằm trong khung điều chỉnh của qui trình, mức độ tuân thủ qui trình của từng điều nên chặt chẽ mang tính bắt buộc phải tuân thủ, không nên mang tính lời khuyên. Ngoài ra các nước thành viên đã chia sẻ một số thách thức, tồn tại khi áp dụng qui định GAP cho ca cao của từng nước.

Cuộc họp tổ công tác kỹ thuật lần thứ 6 về an toàn vệ sinh thực phẩm cho ca cao được tổ chức trong hai ngày, 5 và 6/5/2014 với sự tham gia của 20 đại biểu đến từ các nước Asean.

Để các nước thành viên có được hướng dẫn sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho ca cao, tổ công tác kỹ thuật về vệ sinh thực phẩm cho ca cao đã đưa ra ý tưởng xây dựng qui định về các hoạt động sau thu hoạch ca cao đảm bảo giảm thiểu tối đa OTA trong sản phẩm ca cao. Ý tưởng này đã được hình thành tại cuộc họp năm 2013 tổ chức tại TPHCM Việt Nam. Sau đó nhóm biên soạn đã dự thảo qui trình kỹ thuật bao gồm các qui qui định kỹ thuật sau thu hoạch gồm các bước công việc chính: thu hái quả, bảo quản quả chín, bóc tách hạt, lên men hạt, sấy khô hạt, phân loại hạt, đóng gói, vận chuyển, bảo quản hạt ca cao. Bản dự thảo đã được trình bày và góp ý bởi các nước thành viên ngày 5-6/5/2014 tại cuộc họp nhóm trước khi diễn ra phiên toàn thể.

Cuộc họp được tổ chức ngày 7-8/5/2014 với sự tham gia của 37 đại biểu. Tại phiên toàn thể này, hai bản dự thảo về tiêu chuẩn ASEAN GAP cho ca cao và qui định kỹ thuật sau thu hoạch cho ca cao nhằm giảm thiểu OTA trong sản phẩm ca cao được đưa ra để góp ý thông qua trước khi hòa đồng vào tiêu chuẩn ASEAN về sản xuất ca cao. Ngoài ra, đại diện cho Câu lạc bộ ca cao Ma-lay-si-a (COCOA Board) đã điểm lại tình hình sản xuất ca cao trong năm qua. Theo đó In-đô-nê-si-a có sản lượng ca cao lớn nhất Đông Nam Á (45.000 tấn hạt năm 2013), sau đó là Ma-lay-si-a, mặc dù nước này có sản lượng ca cao thấp hơn so với In-đô-nê-si-a nhưng do áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến nên hiện tại Ma-lay-si-a là nước hàng đầu Đông Nam Á xuất khẩu sản phẩm chế biến từ ca cao. Việt Nam là nước có sản lượng hạt ca cao không lớn (6.500 tấn hạt năm 2013) nhưng vẫn cao hơn Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia.

Cuộc họp đã trao đổi những thông tin về tiến bộ kỹ thuật về giống trong sản xuất ca cao, theo đó Malaysia đã sản xuất được một số dòng ca cao lai đã cho năng suất đến 4,5 tấn hạt/ha, một số dòng lai khác đã khảo nghiệm cho năng suất 2-3 tấn/ha. Hiện tại đã có dự án trao đổi giống mới trong các nước thành viên, Việt Nam tham gia dự án này từ năm 2013.

Các nước tham gia đã chia sẻ quan điểm và chiến lược phát triển ca cao của mình trong thời gian tới. Đa số các nước chọn giải pháp hạn chế mở rộng diện tích trồng ca cao, thay vào đó là tập trung nâng cao tăng năng suất, chất lượng ca cao thông qua tái canh và sản xuất ca cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm, từ đó tạo thu nhập cho từng mắt xích trong chuỗi sản xuất ca cao.
Hội nghị đã thông qua toàn bộ nội dung họp đề cập trên đây, đồng thời đề xuất Thái Lan là nước đang cai tổ chức hội nghị ASEAN lần thứ 18, Thái Lan đã đồng ý đề xuất này. Hội nghị kết thúc tốt đẹp vào chiều ngày 8/5/2014 trong không khí hợp tác phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển ca cao bền vững vùng Đông Nam Á.

Nguyễn Viết Khoa - TTKNQG


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 16 Tháng 5 2014 00:00