GIÁ CÀ PHÊ


Điện Biên điều chỉnh giảm gần 30.000 ha cây cao su theo quy hoạch (17/11/2014)

Tỉnh Điện Biên đã xây dựng xong Quy hoạch phát triển cao su của tỉnh (đã điều chỉnh) cho giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo Dự án điều chỉnh mới này, tổng diện tích vùng quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn toàn tỉnh sẽ giảm trên 40% so với Quy hoạch năm 2009.

Như vậy, diện tích quy hoạch vùng cao su của tỉnh Điện Biên từ nay cho đến năm 2020 sẽ giảm từ 72.900 ha xuống còn gần 43.270 ha; trong đó, diện tích cao su đã trồng là trên 4.256 ha, tập trung tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ.

Tỉnh Điện Biên cũng đặt ra tiến độ phát triển cao su trên địa bàn giai đoạn từ 2008- 2015 trồng 6.500 ha cây cao su đứng, trong đó có 6.000 ha đại điền và 500 ha tiểu điền. Giai đoạn từ 2016- 2020 tiếp tục trồng mới 13.500 ha để đến hết giai đoạn này, toàn tỉnh sẽ có 20.000 ha cây cao su. Tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển cao su ước tính trên 3.480 tỷ đồng, trong đó trên 93,6% là vốn đầu tư của các doanh nghiệp, 1,8% từ Chương trình 30a và trên 4,5% từ ngân sách địa phương.

Nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm diện tích cao su là do trong quá trình triển khai Quy hoạch phát triển cao su năm 2009, tỉnh Điện Biên nhận thấy phát sinh một số tồn tại vướng mắc. Cụ thể, Điện Biên là địa phương có vị trí quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn các công trình thủy điện lớn, nhưng một số diện tích đất có rừng lớn thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đã quy hoạch cho phát triển cao su. Việc nghiên cứu bộ giống cao su thích hợp với điều kiện của địa phương chưa đầy đủ; tình trạng thiếu lao động để trồng và chăm sóc cao su thường xuyên diễn ra, phải huy động lực lượng quân đội hỗ trợ, nên không chủ động trong xây dựng kế hoạch trồng và chăm sóc… Mặt khác, các bộ, ngành trung ương đã có sự thay đổi về hướng dẫn các địa phương trong thực hiện phát triển cao su.

Hiện nay, diện tích cây cao su đã trồng tại tỉnh Điện Biên từ năm 2008 đến nay sinh trưởng và phát triển khá đồng đều, dự kiến đến 2015 sẽ đưa vào khai thác. Với diện tích toàn tỉnh là 20.000 ha, năng suất bình quân 1,7 tấn/ha/năm, sản lượng bình quân hàng năm sẽ đạt khoảng 34.000 tấn. Do địa hình chia cắt trải dài, nên toàn tỉnh sẽ xây dựng 4 nhà máy chế biến mủ cao su ở tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên và Tuần Giáo.

Dự kiến đến 2020, tỉnh Điện Biên sẽ có khoảng gần 5.400 ha cao su đưa vào khai thác mủ. Khi vườn cây cho khai thác, hàng năm các doanh nghiệp sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 25- 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cao su góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trong các vùng dự án. Ngoài ra, việc phát triển cao su đúng kỹ thuật sẽ góp phần tăng độ che phủ cho đất, tránh được tình trạng xói mòn, duy trì nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, tăng cường phòng hộ đầu nguồn…/.

TTXVN


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: